Vì sao người Nhật không ngủ trưa
Văn hóa ngủ trưa tại Nhật
Nhật Bản là một đất nước tồn tại nhiều điều độc đáo, lạ lùng, có phần kỳ quặc so với các quốc gia khác và ngay cả giấc ngủ trưa ở xứ sở hoa anh đào cũng rất khác biệt.
Vào năm 2020, một người Nhật làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ trên Twitter hình ảnh ngủ trưa tập thể của các nhân viên văn phòng tại Việt Nam cùng dòng tweet: “Thoạt nhìn cứ tưởng là bệnh viện dã chiến hay nhà xác, cách mà người Việt nghỉ trưa trông thật đáng kinh ngạc”. Sau đó rất nhiều cư dân mạng xứ Nhật đã bày tỏ sự ngạc nhiên, giật mình khi trông thấy việc chợp mắt vào buổi trưa của người Việt.
Theo nghiên cứu khoa học thì ngủ trưa có lợi cho sức khỏe, việc có một giấc ngủ ngắn từ 10 - 20 phút sẽ giúp người lao động tỉnh táo, tăng cường năng lượng và làm việc hiệu quả hơn. Ngủ trưa là một thói quen, lẽ thường tình trong cuộc sống của người Việt nhưng ở Nhật thì lại khác.
Người Nhật có ngủ trưa không?
Tại xứ Phù Tang, trước đây ngủ trưa được coi là lười biếng nên có nhiều ý kiến cho rằng người Nhật không ngủ trưa. Tuy nhiên thực tế lại khác, trẻ em Nhật vẫn thường ngủ trưa, các bé dưới 6 tuổi được sắp xếp ngủ ở trường học nhưng thói quen này dần thay đổi khi lên tiểu học. Trong một số trường hợp, người lớn cũng ngủ trưa, đa phần người trưởng thành chỉ ngủ khi quá mệt mỏi, căng thẳng hoặc do mất ngủ vào ban đêm.
Nhật Bản nổi tiếng là một đất nước chăm chỉ và có nhiều trường hợp làm việc cho đến chết, tình trạng đáng báo động này dẫn đến việc ngày nay, những giấc ngủ ngắn tại công sở đã được khuyến khích thực hiện. Lý do bởi theo các chuyên gia, người lao động được nghỉ ngơi tốt sẽ là người lao động hiệu quả, nó cũng giúp giảm tải “stress” trong công việc, cuộc sống hằng ngày.
Từ đây sự tiếp nhận trên quy mô diện rộng của “Inemuri - 居眠り” ngày càng phát triển trong xã hội Nhật Bản. Inemuri (ngủ gật) được hiểu là "ngủ khi đang làm nhiệm vụ" hay "ngủ trong khi có mặt". Đây là một kiểu ngủ trưa đặc sắc của người dân đất nước mặt trời mọc.
Inemuri là hành động ngủ tại chỗ khi đang làm một việc gì đó và biểu hiện cho sự chăm chỉ, tận tâm của nhân viên khi họ làm việc đến mức kiệt sức rồi vô tình thiếp đi trong một giấc ngủ ngắn ngủi.
Với
Inemuri, những người lao động Nhật có thể ngủ trưa trên phương tiện giao thông công cộng, tại bàn làm việc hoặc thậm chí trong các cuộc họp mà không bị la mắng. Ngược lại họ còn được nhận lời khen ngợi, coi đó là hành động biểu thị sự cần mẫn, chăm chỉ.
Ngủ nơi công cộng
Ở Việt Nam, chúng ta thường ngủ trưa trên giường hay nằm la liệt trên sàn, kê ghế làm giường tại nơi công sở, mọi người chìm vào giấc ngủ hoàn toàn. Còn ở Nhật thì khác,
Inemuri chỉ là chợp mắt trong phút chốc và được thực hiện ở mọi nơi, đặc biệt là tại các địa điểm công cộng. Đây cũng là điểm khác biệt giữa văn hóa Nhật Bản và các quốc gia khác.
Ngủ trưa nơi công cộng được xã hội Nhật chấp nhận, bạn sẽ không phải nhận lấy ánh nhìn kỳ quặc hay phán xét của cộng đồng khi chợp mắt trên xe buýt, tàu điện ngầm.
Bên cạnh đó tỷ lệ tội phạm của Nhật Bản thuộc hàng thấp nhất thế giới nên người dân có thể cảm thấy an toàn, yên tâm chìm vào giấc ngủ ngay sau khi ngồi xuống trên những chuyến tàu đông đúc vào giờ cao điểm mà không sợ bị những kẻ móc túi tấn công.
Cuộc cách mạng ngủ trưa
Hình ảnh người lao động ngủ gục tại nơi công cộng được cho là một nét đặc trưng cố hữu quen thuộc tại đô thị Nhật. Ngủ trưa ở nơi công cộng thực chất chính là việc ngủ quên khi người dân đã làm việc chăm chỉ cả ngày lẫn đêm.
Trong thực tế, 22% người lao động Nhật Bản đang làm việc 50 giờ mỗi tuần trở lên và 39,5% người lao động ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm ở nhà, vì vậy một giấc ngủ trưa là điều cần thiết. Nhưng tại Nhật, để có một giấc ngủ trưa tại công sở, họ đã phải trải qua quá trình đấu tranh khốc liệt.
Trong quá khứ, việc ngủ trưa tại văn phòng là nét xấu, không thể chấp nhận được nhưng quan niệm này đã dần thay đổi. Theo chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ tại Đại học Kurume, vụ việc một nhân viên điều khiển tàu tốc hành ngủ gật trên tay lái từ năm 2003 đã châm ngòi cho cuộc tranh cãi với phạm vi ảnh hưởng toàn quốc về đề tài ngủ trưa là tốt hay xấu.
Thế rồi công chúng dần nhận ra rằng để làm việc hiệu quả, làm việc về khuya thì cần phải có giấc ngủ ngắn ban ngày. Nhiều người Nhật, những công ty, trường học, cơ quan đoàn thể đã có cái nhìn tích cực hơn và hưởng ứng giấc ngủ trưa.
Ngôi trường tiên phong cho những giấc ngủ trưa là trường phổ thông Meizen tại Fukuoka. Vào tháng 06/2005, trường này đã phát động việc khuyến khích học sinh ngủ trừ từ 15 - 30 phút. Kết quả cho thấy điểm kiểm tra tăng lên và tình trạng học sinh ngủ gật trong lớp giảm dần. Từ đó nhiều trường học đã xem xét và áp dụng biện pháp này theo trường Meizen.
Một số công ty đưa ra kế hoạch khuyến khích nhân viên chợp mắt vào giờ nghỉ trưa. Thậm chí còn tạo không gian, cung cấp ghế ngả lưng thoải mái hay xây dựng nhiều phòng để phục vụ cho việc ngủ trưa.
Một số công ty đã thành công trong việc buộc các công ty bảo hiểm trả chi phí cho giấc ngủ trưa của nhân viên tại salon. Dịch vụ salon ngủ trưa dành cho nhân viên văn phòng tại các thành phố lớn ở Nhật đang phát triển rầm rộ, các salon đón tiếp hàng nghìn khách hàng, cung cấp những chiếc giường thoải mái với giá khoảng 594 yên (khoảng 106.000 đồng).
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, thời gian ngủ sẽ khoảng từ 20 – 30 phút, nếu giấc ngủ kéo dài quá 30 phút thì con người sẽ rơi vào tình trạng ngủ sâu và khi thức giấc sẽ dễ mệt mỏi. Vì vậy một số salon còn cung cấp thêm dịch vụ mời khách hàng thưởng thức cafe trước giờ ngủ trưa, nghe nhạc thư giãn. Cafein từ cafe mất khoảng 20 phút để thấm dần vào cơ thể, đó cũng là thời gian lý tưởng để khách hàng chìm vào giấc ngủ rồi tỉnh dậy sảng khoái, minh mẫn hơn để tiếp tục làm việc vào buổi chiều.
Việc cho phép ngủ trưa cho thấy cách sống, quan niệm của xã hội Nhật Bản đang phát triển theo hướng tiến bộ hơn, quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng sống của con người.